Xây dựng thương hiệu ớt Phú Lương

(HBĐT) – Những trái ớt rừng nhỏ, có vị cay dịu, thơm, giòn đặc trưng của núi rừng Phú Lương (Lạc Sơn) đang được tổ hợp tác (THT) ớt rừng Phú Lương phát triển thành sản phẩm hàng hóa, kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu đặc sản của địa phương trụ vững trên thị trường. Năm 2020, Lạc Sơn dự kiến đưa sản phẩm ớt rừng Phú Lương là sản phẩm OCOP của huyện.
Cây ớt rừng đã có từ rất lâu ở Phú Lương. Bà con đi rừng hay hái ớt về làm gia vị cho món ăn trong bữa cơm hàng ngày. Quả thật, chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu vùng Phú Lương, ớt rừng mới cho mùi thơm và vị cay đặc biệt. Nếu bén rễ đất phù sa màu mỡ, đặc tính vốn có của nó sẽ không còn. Thấy được giá trị của trái ớt rừng, bà con tìm giống về trồng, hái bán theo kiểu nhỏ lẻ. Từ khi THT ớt rừng Phú Lương được thành lập năm 2018, phụ nữ xóm Băn, xã Phú Lương có thêm cơ hội để giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, góp phần vào xây dựng thương hiệu ớt rừng Phú Lương. Những cây ớt rừng được đem về trồng ở ruộng cạn và ven rừng. Hiện nay, THT có 15 thành viên tham gia dự án xây dựng thương hiệu ớt rừng Phú Lương, các thành viên đã được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ thị trường tìm kiếm đầu ra.
Từ ý tưởng “trồng ớt rừng theo hướng sinh học” của Hội LHPN huyện Lạc Sơn trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp cho chị em phụ nữ của T.Ư Hội LHPN Việt Nam được trao giải với số tiền thưởng 157 triệu đồng. Nguồn vốn này Hội LHPN huyện đã hỗ trợ cho THT phát triển mô hình trồng ớt rừng, quy mô 3.000 m2 ở xóm Băn và xóm Thếnh, sản lượng đạt gần 700 kg. Giá bán ớt tươi khoảng 120 nghìn đồng/kg đã mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. 1 cây ớt có vòng đời 1 năm, thu xong nhổ cây rồi gieo hạt trồng lại. Cứ 1.000 m2 trồng 700 cây. Sau 4 tháng cây ra hoa đậu quả sẽ cho thu 4 tháng liên tục, 1 cây cho thu 7 lạng ớt.
Với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm, ngon, ớt rừng Phú Lương đang là sản phẩm được ưa chuộng. Ớt sau khi thu hoạch được các thành viên trong THT sơ chế nhặt sạch, ngâm muối, chế biến thành ớt muối cho vào lọ thủy tinh. Trước đây, bà con thường cho ớt muối vào chai nhựa nên nhanh bị váng mốc, không để được lâu. Giờ đây, sản phẩm ớt rừng Phú Lương được đóng lọ thủy tinh quy cách 100 g, giá bán 35.000 đồng/lọ, là sản phẩm được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể để được 24 tháng. Hiện có 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm ở huyện Kỳ Sơn và Lạc Thủy. Đến nay đã tiêu thụ được 1.500 sản phẩm. Theo tính toán thu nhập đạt khoảng 45 triệu đồng/năm. Đây thực sự là cây trồng tiềm năng để chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, vấn đề cần nhất là xây dựng thương hiệu ớt rừng Phú Lương, nâng cao chất lượng sản phẩm; làm mẫu mã bao bì, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế nhãn hiệu, đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Chị Bùi Thị Hà, tổ trưởng THT chia sẻ: Mong muốn của các thành viên được hỗ trợ kinh phí để mở rộng phát triển theo chuỗi giá trị, áp dụng các biện pháp sản xuất ớt sạch và xây dựng theo mô hình VietGAP. Tổ chức sản xuất theo hướng trồng tập trung, chuyên canh, thống nhất quy trình trồng, chăm bón, thu hoạch để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *